
Về “nghề điện” và an toàn cháy nổ trong xây dựng
Gần đây, hàng loạt vụ cháy thương tâm xảy ra, trong đó 70–80% nguyên nhân được xác định là do chập điện. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về năng lực thi công hệ thống điện tại các công trình dân dụng và cả công nghiệp ở Việt Nam.
Thực tế, mô hình "thuê tổ đội – khoán trắng" đang rất phổ biến trong các nhà thầu cơ điện. Các “tổ đội” thường chỉ do một người “cai” có chút kinh nghiệm dẫn dắt, còn thợ thì chủ yếu là lao động phổ thông từ các làng quê, không bằng cấp, không được đào tạo bài bản. Thi công điện theo kiểu “rút ngắn dây – đi nhanh – làm cho xong” đã dẫn tới hàng loạt hệ thống điện chằng chịt, chồng chéo, không có ống gen chống cháy, không bảo vệ chuột gặm, thiết bị bảo vệ quá dòng (MCB, ELCB) thì không đúng chuẩn, dây dẫn nhỏ hơn yêu cầu, nối dây điện kiểu xoắn 2 đầu vào nhau rồi cuốn bắng dính điện qua loa…Vấn đề nguy hiểm là họ nghĩ “Như vậy là đạt yêu cầu” một cách rất nhân bản chứ không phải là cố tình làm rối…
Với rất nhiều anh em “Công Nhân Điện” không biết các khái niệm gọi là “nguyên tắc nghề” — chỉ có “nhanh, rẻ, gọn” là tất yếu. Và cái giá phải trả là mạng sống và tài sản của người dân mà thậm chí họ không hề nghĩ là do mình...
✍️ Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn:
Phải quy định hành nghề điện như các nước tiên tiến: Thợ điện cần có bằng cấp đào tạo chính quy và giấy phép hành nghề.
Hệ thống điện cần được thiết kế – giám sát – nghiệm thu theo chuẩn kỹ thuật, đặc biệt tại công trình dân sinh, chung cư.
Chủ đầu tư cần nghiêm túc kiểm tra năng lực tổ đội thi công, thay vì giao khoán trọn gói cả niềm tin.
Việc nâng chuẩn cho nghề điện không chỉ giúp bảo vệ cộng đồng, mà còn là cách để nâng cao giá trị thực sự cho ngành cơ điện Việt Nam – một ngành xứng đáng được làm chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
